Chuyển đến nội dung chính

Các quá trình biến đổi của sự cố tràn dầu trên biển


Khi dầu tràn trên biển, nó trải qua rất nhiều biến động của lý học và hóa học. Một số thay đổi đó dẫn đến dầu bị loại bỏ trên bề mặt nước biển, trong khi một số khác làm cho dầu vẫn còn tồn tại trên bề mặt. Quá trình biến đổi của dầu tràn trên biển cùng với các điều kiện về sóng gió, dòng chảy… sẽ trải qua các quá trình biến đổi như sau:
Quá trình lan tỏa
Dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ là chất lỏng có độ hòa tan rất thấp trong nước, đặc biệt là nước biển. Do đó, khi khối dầu rơi vào nước sẽ xảy ra hiện tượng chảy lan trên bề mặt nước. Phân phối dầu tràn trên mặt biển diễn ra dưới ảnh hưởng của lực hấp dẫn. Nó được kiểm soát bằng dầu nhớt và sức căng bề mặt nước. Quá trình này được chú ý đặc biệt nhằm ứng cứu sự cố tràn dầu hiệu quả.
Trong điều kiện tĩnh, một tấn dầu có thể lan phủ kín 12km2 mặt nước, một giọt dầu tạo ra một màng dầu 20m2 với độ dày 0,001mm, có khả năng làm bẩn 1 tấn nước.
Do các quá trình bốc hơi, hòa tan mà mật độ, độ nhớt tăng, sức căng bề mặt giảm dần cho đến khi độ dày của lớp dầu đạt cực tiểu thì quá trình chảy lan chấm dứt. Trường hợp không có các yếu tố nhiễu thì dầu lan tỏa thành một vòng tròn, bao phủ một diện tích tối đa là: Smax = R2max.
Trong thực tế thì quá trình chảy lan trên biển chịu tác động lớn bởi các yếu tố sóng, gió và thủy triều.



Quá trình bay hơi
Song song với quá trình lan tỏa, dầu sẽ bốc hơi tùy thuộc vào nhiệt độ sôi và áp suất riêng phần của hydro và cacbon trong dầu mỏ cũng như các điều kiện bên ngoài: nhiệt độ, sóng, tốc độ gió và diện tích tiếp xúc giữa dầu với không khí. Các hydro và cacbon có nhiệt độ sôi càng thấp thì có tốc độ bay hơi càng cao. Ở điều kiện bình thường thì các thành phần của dầu với nhiệt độ sôi thấp hơn 200°C sẽ bay hơi trong vòng 24 giờ. Các sản phẩm nhẹ như dầu hỏa, gasolil có thể bay hơi hết trong vài giờ. Các loại dầu thô nhẹ bay hơi khoảng 40%, còn dầu thô nặng hoặc dầu nặng thì ít bay hơi, thậm chí không bay hơi. Tốc độ bay hơi giảm dần theo thời gian, làm giảm khối lượng dầu, giảm khả năng bốc cháy và tính độc hại, đồng thời quá trình bay hơi cũng làm tăng độ nhớt và tỷ trọng của phần dầu còn lại, làm cho tốc độ lan tỏa giảm.
Quá trình khuếch tán
Đây là quá trình xảy ra sự xáo trộn giữa nước và dầu. Các vệt dầu chịu tác động của sóng, gió, dòng chảy tạo thành các hạt dầu có kích thước khác nhau, trong đó có các hạt đủ nhỏ và đủ bền có thể trộn tương đối bền vào khối nước. Điều này làm diện tích bề mặt hạt dầu tăng lên, kích thích sự lắng đọng dầu xuống đáy hoặc giúp cho khả năng tiếp xúc của hạt dầu với các tác nhân oxy hoá, phân hủy dầu tăng, thúc đẩy quá trình phân hủy dầu.
Hiện tượng trên thường xảy ra ở những nơi sóng vỡ và phụ thuộc vào bản chất dầu, độ dày lớp dầu cũng như tình trạng biển. Tại điều kiện thường, các hạt dầu nhẹ có độ nhớt nhỏ có thể phân tán hết trong một vài ngày, trong khi các loại có độ nhớt lớn hoặc loại nhũ tương dầu nước ít bị phân tán.
Quá trình hòa tan
Sự hòa tan của dầu trong nước chỉ giới hạn ở những thành phần nhẹ. Tốc độ hòa tan phụ thuộc vào thành phần dầu, mức độ lan truyền, nhiệt độ cũng như khả năng khuếch tán dầu. Dầu FO ít hòa tan trong nước. Dễ hòa tan nhất trong nước là xăng và kerosen. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, hàm lượng dầu hòa tan trong nước luôn không vượt quá 1 phần triệu (1 mg/lít).
Quá trình hòa tan cũng làm tăng khả năng phân hủy sinh học của dầu. Song đây chính là yếu tố làm tăng tính độc của dầu đối với nước, gây mùi, đầu độc hệ sinh thái động thực vật trong nước, đặc biệt đối với động vật, dầu thấm trực tiếp và từ từ vào cơ thể sinh vật dẫn đến sự suy giảm chất lượng thực phẩm.



Quá trình nhũ tương hóa
Đây là quá trình tạo thành các hạt keo giữa dầu và nước hoặc nước và dầu.
Keo dầu nước: là hạt keo có vỏ là dầu, nhân là nước; là các hạt dầu ngậm nước làm tăng thể tích khối dầu 3-4 lần. Các hạt khá bền, khó vỡ ra để tách lại nước. Loại keo đó có độ nhớt rất lớn, khả năng bám dính cao, gây cản trở cho công tác thu gom, khó làm sạch bờ biển.
Keo nước dầu: hạt keo có vỏ là nước, nhân là dầu, được tạo ra do các hạt dầu có độ nhớt cao dưới tác động lâu của sóng biển, nhất là các loại sóng vỡ. Loại keo này kém bền vững hơn và dễ tách nước hơn.
Nhũ tương hóa phụ thuộc vào thành phần dầu và chế độ hỗn loạn của nước biển. Gió cấp 3, 4 sau 1-2 giờ tạo ra khá nhiều các hạt nhũ tương dầu nước. Dầu có độ nhớt cao thì dễ tạo ra nhũ tương dầu nước. Các nhũ tương ổn định nhất chứa 30-80% nước. Nhũ tương hóa làm giảm tốc độ phân hủy và phong hóa dầu. Nó cũng làm tăng khối lượng chất ô nhiễm và làm tăng những công việc phải làm để phòng chống ô nhiễm.
Quá trình lắng kết
Do tỷ trọng nhỏ hơn 1 nên dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ thường nổi lên mặt nước mà không tự chìm xuống đáy. Các loại nhũ tương sau khi hấp thụ các vật chất hoặc cơ thể sinh vật có thể trở nên nặng hơn nước rồi chìm dần. Cũng có một số hạt lơ lửng, hấp thụ tiếp các hạt phân tán rồi chìm dần lắng đọng xuống đáy. Trong đó cũng xảy ra quá trình đóng vón, tức là quá trình tích tụ nhiều hạt nhỏ thành mảng lớn.
Quá trình lắng đọng làm giảm hàm lượng dầu có trong nước, làm nước tăng DO nhanh hơn, nhưng nó sẽ làm hại hệ sinh thái đáy. Hơn nữa, sau lắng đọng, dầu vẫn có thể lại nổi lên mặt nước do tác động của các yếu tố đáy, gây ra ô nhiễm lâu dài cho vùng nước.
Nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho thấy tỷ lệ phân hủy của dầu bị lắng dưới biển giảm. Các quá trình oxy hóa xảy ra trong điều kiện kỵ khí trong môi trường đáy biển, dầu tích lũy bên trong các trầm tích dưới đáy biển có thể được lưu giữ cho nhiều tháng và thậm chí cả năm.
Quá trình oxy hóa
Nói chung, các hydrocacbon trong dầu khá bền vững với oxy. Nhưng trong thực tế dầu mỏ tồn tại trong nước hoặc không khí vẫn bị oxy hóa một phần rất nhỏ (khoảng 1% khối lượng). Các quá trình này xảy ra do oxy, ánh sáng mặt trời (tia cực tím của phổ năng lượng mặt trời) và được xúc tác bằng một số nguyên tố và ức chế (chậm lại) của các hợp chất lưu huỳnh tạo thành hydroperoxides và các sản phẩm khác thường có tính hòa tan trong nước.
Quá trình phân hủy sinh học
Có nhiều chủng thủy vi sinh vật khác nhau có khả năng tiêu thụ một đoạn nào đó. Mỗi loại vi sinh chỉ có khả năng phân hủy một nhóm hydrocacbon cụ thể nào đó. Tuy nhiên, trong nước sông có rất nhiều chủng vi khuẩn. Do đó, rất ít loại hydrocacbon có thể chống lại sự phân hủy này. Các vi sinh vật có thể phân hủy 0,03 - 0,5g dầu/ngày đêm trên mỗi mét vuông. Khi dầu rơi xuống nước, chủng vi sinh vật hoạt động mạnh. Quá trình khuếch tán xảy ra tốt thì quá trình ăn dầu cũng xảy ra mạnh. Điều kiện các vi sinh ăn dầu có thể phát triển được là phải có oxy. Do đó, ở trên mặt nước dầu dễ bị phân hủy vi sinh, còn khi chìm xuống đáy thì khó bị phân hủy theo kiểu này.
Khả năng phân hủy sinh học phụ thuộc vào các yếu tố:
Thành phần của dầu: thành phần dầu ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của vi sinh. Các vi sinh ăn dầu hoạt động mạnh nhất là những vi sinh tiêu thụ được phân đoạn có nhiệt độ sôi 40 - 200°C.
- Diện tích dầu trải trên mặt nước: diện tích càng rộng thì khả năng dầu bị phân hủy vi sinh càng mạnh.
- Nhiệt độ môi trường: nhiệt độ càng cao, quá trình phân hủy càng nhanh

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bộ kit ứng phó sự cố tràn dầu/hóa chất gồm có những gì

Bộ kit ứng phó khẩn cấp sự cố tràn dầu/hoá chất gồm những gì? Sự cố tràn vãi dầu/hoá chất luôn có nguy cơ xảy ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh, vận chuyển. Để có thể kịp thời ứng phó nhanh chóng và hiệu quả thì bộ dụng cụ chuyên dụng là vật tư không thể thiếu giúp cho người phát hiện sự cố xử lý ngay tại chỗ. Với kích thước nhỏ gọn nhưng vẫn đầy đủ các vật tư cần thiết, bộ kit cấu hình 24.6L và bộ kit cấu hình 64.3L đặc biệt phù hợp với các xe chuyên chở dầu/hoá chất, kho xưởng nhỏ.

Hướng cách sử dụng bộ xử lý tràn đổ hóa chất

A.Cần làm gì sau khi mua một bộ xử lý tràn đổ hóa chất Một bộ xử lí tràn đổ hóa chất bạn mua và hy vọng bạn không bao giờ phải sử dụng. Nhưng việc sẵn sàng cho sự cố tràn dầu, hóa chất không bắt đầu và kết thúc bằng việc mua một bộ dụng cụ xử lí sự cố tràn. Bạn cần biết những gì trong đó và cách sử dụng nó, vì vậy đây là một số mẹo giúp bạn bắt đầu. Trước tiên, hãy tìm hiểu nơi bạn có khả năng bị đổ tràn. Hãy chắc chắn rằng bạn lưu trữ một bộ xử lí tràn đổ, nơi bạn có thể nhìn thấy và sử dụng dễ dàng khi có sự cố xảy ra. Tiếp theo, mở bộ xử lí tràn đổ hóa chất và làm quen từng sản phẩm và đọc các hướng dẫn. Thông thường một  bộ xử lí tràn đổ hóa chất  bao gồm : Chất thấm thích hợp đóng gói dạng bao Phao quây Gối thấm, khăn thấm Dụng cụ bảo hộ (Bao tay, kính bảo hộ…) Xẻng xúc, chổi, túi đựng Nhãn dán chất thải nguy hại Thẻ hướng dẫn sử dụng, barricade cảnh báo… B. Hướng dẫn xử lý tràn đổ hóa chất cơ bản 1. Bảo vệ sự cố tràn Trước tiên,...

Xử lý ô nhiễm biển do tràn dầu

Sự cố tràn dầu gây ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái. Đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển, vùng triều bãi cát, đầm phá và các rạn san hô. Ô nhiễm dầu làm giảm khả năng sức chống đỡ, tính linh hoạt và khả năng khôi phục của các hệ sinh thái. Hàm lượng dầu trong nước tăng cao, các màng dầu làm giảm khả năng trao đổi ôxy giữa không khí và nước, làm giảm oxy trong nước, làm cán cân điều hòa oxy trong hệ sinh thái bị đảo lộn. Dầu bám vào đất, kè đá, các bờ đảo làm mất mỹ quan, gây mùi khó chịu dẫn đến doanh thu của ngành du lịch cũng bị thiệt hại nặng nề. Tràn dầu còn làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cảng cá, cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển. Dầu trôi nổi làm hỏng máy móc, thiết bị khai thác tài nguyên và vận chuyển đường thủy…  Tùy theo mức độ ô nhiễm và điều kiện thời tiết liên quan đến sự chuyển động của dầu trên mặt nước mà đưa ra biện pháp xử lý cho phù hợp. Đốt dầu loang: đốt các lớp váng dầu ngay sau khi dầu lan tr...